Người giàu luôn thiếu nhiều hơn người nghèo ?

NGƯỜI GIÀU LUÔN THIẾU NHIỀU HƠN NGƯỜI NGHÈO?

Bạn tôi có đứa cháu ở quê. Nhà cháu rất nghèo. Khi hỏi “Kinh tế thế nào?”, cháu nói: “Ổn chú ạ. Ruộng cấy đủ thóc ăn quanh năm, mảnh vườn sau nhà, mùa nào có rau đó. Chả thiếu thứ gì. À, mà tháng chín này, thằng nhớn nhà cháu lên cấp 3, cháu đang thiếu tiền để mua cho nó một chiếc xe đạp”. Số tiền, mà cô cháu này đang thiếu chỉ là mấy trăm nghìn hay một hai triệu gì đó.

Tôi nhớ tới một người bạn cùng quê, hiện sống ở Hà Nội. Gia đình anh khá giả hơn. Vợ chồng anh có hai cậu con trai. Họ đã lo được cho đứa lớn du học ở Mỹ. Giờ họ phải lo cho đứa nhỏ cũng được du học như anh nó. Họ đang thiếu cỡ đâu đó một tỷ đồng để làm thủ tục du học cho con đợt này.
Có cái gì đó như là nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn!

Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp. Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy. Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô. Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ. Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự…

Càng giàu, cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi… bạn ngộ ra đạo lý: Biết đủ là đủ.
Người không biết đủ, dù giàu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có, mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.

Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.

“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”
Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ.

Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: vnexpress

Nhân viên BÌNH THƯỜNG chọn công ty, nhân viên VĨ ĐẠI chọn Sếp

Xưa nay trong doanh nghiệp, cái tầm nhìn, cái sứ mệnh, người ta cứ mặc nhiên coi là vấn đề của sếp, của công ty. Thế nên mới có cụm từ “đi xin việc”, thay vì “đi chọn việc” và đỉnh cao hơn là đi tìm minh chủ, tìm Sếp.

Người biết tự nhận thức, có khả năng và bản lĩnh thường đi tìm sếp mà đồng hành, giúp cho công ty phát triển và khẳng định giá trị của bản thân. Ngược lại có người nhảy hết công ty này, bay sang công việc khác hòng có thêm chút thù lao, thu nhập, phúc lợi, rồi cuối cùng cũng chỉ quẩn quanh, quanh quẩn với mấy cái cơm áo gạo tiền đến lúc tàn canh.

Vì sao lại có nghịch lý như vậy, cũng chỉ bởi cái chữ “tầm nhìn và sứ mệnh”. Đừng tưởng chỉ có sếp mới có tầm nhìn và sứ mệnh, mà chính nhân viên cũng có tầm nhìn sứ mệnh. Vậy cái tầm nhìn sứ mệnh của nhân viên là cái gì? (Mình miễn bàn đến cái tầm nhìn – sứ mệnh lớn lao của công ty nhé!)

Tầm nhìn của nhân viên là gì? Đó là cách nhìn người, cụ thể là sếp (minh chủ)

“Đi xin việc” mà chỉ nhăm nhăm vào mấy cái câu hỏi: Công ty có to không? Vị trí có trung tâm không? Gần hơn là lương em bao nhiêu, có hỗ trợ xăng xe, ăn trưa không…? Mà quên mất xem sếp mình là ai, người đó có thể đi được dài không, có làm cho mình phát triển…?, kết quả không chóng thì chày, lâu thì dăm bữa nửa tháng, ngon ngon thì một vài năm, bòn mót được ít mẹo vặt gắn cái mác kinh nghiệm là ta tìm đường nhảy việc. Vì tầm nhìn chỉ luẩn quẩn quanh cái lợi ích của bản thân.

Vậy chọn sếp thế nào?

Trước tiên giá trị cốt lõi của sếp, nếu bạn không tìm thấy sự tương đồng về giá trị cốt lõi, tốt nhất không nên theo đuổi? Ví dụ bạn là người chân thành, đề cao tối thượng sự chân thành, nhưng sếp bạn coi thường điều đó, thì hãy dừng lại. Tuy nhiên có thể giá trị cốt lõi đôi lúc không khớp nhau, nhưng miễn là không đối nghịch nhau là được.

“Tầm và tài”, thiên hạ xưa nay hay nhắc đến chữ “lãnh đạo tầm-tài”, quả thực rất quan trọng nhưng theo mình chưa phải là thứ quan trọng nhất, bởi cái tầm, cái tài không phải ngày một ngày hai mà phát tiết: “vĩ nhân chỉ khác người thường 1%”, nên làm sao ta nhận ra ngay được. Thế nên nhân viên sẽ rất ngạc nhiên về mấy cái thằng bạn học cùng cấp III năm xưa dốt như bò, suốt ngày nhòm bài mình, mà bây giờ thành những ông chủ lớn, có hàng trăm nhân viên, hàng tá kỹ sư, cử nhân thạc sỹ dưới quyền. Ấy đấy: cái công ty to đùng Facebook của anh Zuckerberg và Microsoft của ông Bill Gate mà bao nhiêu người khát khao vào xin việc, nhưng liệu bao nhân viên nhìn thấy “tầm-tài” của hai ông sếp này, nếu được mời đến phỏng vấn khi công ty họ ở trong gian phòng của ký túc xá và 1 góc nhỏ của garage. Nên muốn xây chiến công, dựng đại nghiệp đừng chỉ nhìn vào mỗi cái công ty hoành tráng, sếp đi siêu xe… những chỗ đó đã có nhiều nhân viên vĩ đại rồi, bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua không? Bạn không từng chia đắng sẻ cay với sếp, thì đâu có ngày cùng hưởng vinh hoa phú quý, chia ngọt sẻ bùi: cái gì cũng có giá, chỉ có cái “giá mà” là không có giá mà thôi!

Cái cuối cùng, cái quan trọng nhất, dù có thiếu gì thì thiếu, nhưng không thể thiếu cái này, nói nôm nói na là cái “tín nghĩa”, người coi trọng chữ tín và sống có nghĩa có tình, sẽ không bỏ rơi bạn trong những hoàn cảnh khó khăn, người bạn có thể đồng hành đến suốt đời, đồng cam cộng khổ, nếm mật nằm gai, chia ngọt sẻ bùi.

Tìm được người này, gắng mà tận trung, tận sức đóng góp cho công ty phát triển, chắc chắn bạn sẽ trở thành “nhân viên vĩ đại”. Nếu có duyên nghiệp làm nhân viên vĩ đại, thì hãy yên ổn mà làm, làm sếp chẳng sung sướng gì đâu, trong khi một nhân viên vĩ đại vẫn đạt được tất cả những thứ mà sếp mơ ước. Nói thì tưởng đùa, nhưng đó là sự thực:

Người đời hay nhắc đến tài năng và trí tuệ của Chu Du, chứ không phải ai cũng biết sếp của Chu Du là Tôn Quyền? Thiên hạ coi trọng và tôn vinh tài trí của Khổng Minh hơn cả sếp mình là Lưu Bị, đến Quan Vũ là nhân viên của Lưu Bị còn được xếp vào hàng thánh nhân. Đấy là chuyện của Tàu, còn chuyện của ta cũng không thiếu những ví dụ nhãn tiền: người Việt mình ai chẳng biết đến Nguyễn Trãi, nhưng chưa chắc đã biết sếp của Nguyễn Trãi là vua nào? Người người bái lạy tôn thờ Thánh – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng chưa hẳn đã biết sếp của ngài là ai. Vậy há chẳng phải nhân viên vĩ đại hơn hẳn sếp?!

Làm sếp cũng là cái số phải làm, cái nghiệp phải trả.

Sứ mệnh của nhân viên:
Dù làm việc lớn nhỏ, mà không tìm được sứ mệnh, thì dù có làm cả đời vẫn chỉ đạt mức thường thường bậc trung. Vậy sứ mệnh của nhân viên là gì?

Trước tiên làm ở ví trí nào, thì làm tròn vai lo cho công việc sạch sẽ, đừng để sếp phải bận tâm mà lo hốt rác, nhắc nhở nhiều lần mà cứ trơ trơ.

Sau đó là tìm cách cải tiến công việc, cầu thị trở thành người giỏi nhất trong công việc cụ thể đó, thế là đã tìm ra sứ mệnh rồi đấy. Vậy nên, kể cả khi không có tầm nhìn, thì cũng cần có sứ mệnh mới mong làm được cái gì nó ra hồn, không trở thành vĩ đại, thì cũng thành nhân viên suất sắc rồi.

Nói đến đây mình lại nhớ đến 2 từ: để tâm và hời hợt
Người biết để tâm làm việc gì cũng trọn vẹn, gọn gàng. Người dù không có tài năng kiệt suất đi chăng nữa, vẫn có thể được thăng tiến đều đặn trong công ty. Cái này nó cũng liên quan đến owner’s mindset (Tư duy làm chủ, coi thiệt hại của công ty là thiệt hại của mình).

Người hời hợt: Làm gì qua quýt để bịt mắt người đời, trong giờ làm thì chơi games chat chít mà mặt cứ cắm vào máy tính ra vẻ ta đây bận lắm, làm cái gì thiếu và hay nguỵ biện lý giải cho sai lầm. Sự hời hợt sẽ biến đối tượng này con người mờ nhạt, mà đỉnh cao của mờ nhạt là “biến thái” – biến mất trong trạng thái chết lâm sàng.

Chim khôn chọn cành mà đậu
Người khôn chọn bạn mà chơi
Nhân viên khôn chọn sếp mà phò

Nguồn: Võ Xuân Yên

Câu Chuyện Về Những Trái Bắp Đoạt Giải

Câu Chuyện Về Những Trái Bắp Đoạt Giải

Một bác nông dân ở tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ đã bốn lần liên tiếp giành chiến thắng tại hội chợ cấp Bang với những trái bắp xuất sắc của mình. Thành tích này chưa từng có ai đạt được, nên một tờ báo địa phương đã quyết định cử phóng viên tới phỏng vấn ông để tìm hiểu bí quyết.

1. Câu Chuyện Về Những Trái Bắp Đoạt Giải

Phóng viên hỏi bác nông dân:

  • “Bác có bí quyết gì không? Liệu có phải bác sử dụng hạt giống của loại bắp đặc biệt không?”

Bác nông dân điềm đạm trả lời:

  • “Đúng vậy, tôi tự tạo ra hạt giống bắp của riêng mình, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi có thể đoạt giải.”

Phóng viên tiếp tục thắc mắc:

  • “Bí quyết của bác nằm ở hạt giống ạ? Vậy loại bắp bác đang trồng có khác với những người hàng xóm xung quanh không?”

Bác nông dân giải thích:

  • “Không, tôi chia sẻ hạt giống này với những người nông dân trồng bắp xung quanh.”

Ngạc nhiên, phóng viên hỏi lại:

  • “Bác cho hàng xóm những hạt giống do chính bác tạo ra sao? Tại sao bác lại tặng hạt giống của loại bắp đoạt giải cho họ?”

Bác nông dân mỉm cười và nói:

  • “Ồ, các bạn phải hiểu cách thức hạt bắp thụ phấn. Bắp được thụ phấn từ các cánh đồng lân cận. Nếu những cánh đồng xung quanh không có loại bắp chất lượng hàng đầu, thì cánh đồng của tôi cũng sẽ không thể trồng được loại bắp chất lượng hàng đầu. Vì vậy, nếu những vựa bắp của hàng xóm đều có bắp khỏe mạnh, tôi cũng sẽ thu hoạch được những trái bắp tuyệt vời. Và đó là lý do tôi đã giành chiến thắng tại Hội chợ bang Nebraska trong bốn năm liên tiếp.”

2. Bài Học Về Sự Thành Công

Câu chuyện về những trái bắp đoạt giải không chỉ là một câu chuyện nông nghiệp mà còn chứa đựng những bài học quý giá về sự thành công.

Những Bài Học Rút Ra:

  • Sự Chia Sẻ và Hợp Tác: Thành công bền vững đến từ sự sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người khác. Khi bạn giúp đỡ người khác thành công, bạn cũng đang tạo điều kiện cho sự thành công của chính mình.
  • Tầm Quan Trọng Của Môi Trường Xung Quanh: Môi trường xung quanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của chúng ta. Bằng cách cải thiện môi trường chung, chúng ta cũng nâng cao cơ hội thành công của chính mình.
  • Tư Duy Dài Hạn: Hãy đầu tư vào những mối quan hệ và hành động mang lại giá trị dài hạn. Đừng chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà hãy cân nhắc những gì bạn có thể đạt được trong tương lai nếu biết đầu tư đúng cách.

Kết Luận
Câu chuyện về bác nông dân và những trái bắp đoạt giải nhắc nhở chúng ta rằng hành động của hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến chính mình mà còn đến cả những người xung quanh. Để có một cuộc sống thịnh vượng, chúng ta cần học cách sống vì lợi ích chung và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Nguồn: Internet

2 đặc điểm của đàn ông bản lĩnh, đức độ mang lại phúc khí và phú quý cho gia đình

2 Đặc Điểm Của Đàn Ông Bản Lĩnh, Đức Độ Mang Lại Phúc Khí Và Phú Quý Cho Gia Đình

Nhìn vào những người đàn ông thành công, chúng ta thường thấy họ sở hữu những phẩm chất đặc biệt. Đó không chỉ là sự thông minh, tài năng mà còn là những đức tính cao quý như sự bản lĩnh, đức độ… Tuy nhiên, xã hội ngày nay vẫn tồn tại nhiều định kiến sai lầm về “bản lĩnh” của đàn ông, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.

1. Bản lĩnh không phải là tửu lượng hay khả năng uống rượu

Trên bàn nhậu, người ta thường nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong!” để hợp thức hóa cho sở thích ăn nhậu. Tuy nhiên, việc khoe khoang về khả năng uống rượu không phải là biểu hiện của bản lĩnh, mà là sự thiếu kiểm soát bản thân. Bản lĩnh thật sự nằm ở khả năng làm chủ bản thân, biết khi nào nên dừng lại để không gây hại cho mình và mọi người xung quanh.

2. Bản lĩnh không phải là sự áp đặt và bạo lực

Một hiểu lầm phổ biến khác về “bản lĩnh” là việc áp đặt ý kiến và sử dụng bạo lực để chứng tỏ quyền lực trong gia đình. Tuy nhiên, bản lĩnh thật sự không phải là sức mạnh bề ngoài, mà là khả năng điềm tĩnh, làm chủ bản thân trong mọi tình huống. Người đàn ông bản lĩnh là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, giúp mọi người cảm thấy an toàn và hạnh phúc.

Những Đặc Điểm Của Người Đàn Ông Bản Lĩnh, Đức Độ

1. Sự chín chắn, điềm tĩnh trong lời nói và hành động

  • Lời nói cẩn trọng: Người đàn ông bản lĩnh luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói, lời nói chân thật, rõ ràng, không hoa mỹ, sáo rỗng. Họ ít hứa suông, nhưng “đã hứa là làm đến cùng”.
  • Tư duy chín chắn: Họ có tư duy thấu đáo, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác và luôn giữ thái độ khiêm tốn, cầu thị.
  • Cách giao tiếp ôn hòa: Người đàn ông bản lĩnh không bao giờ nói lời cay nghiệt, gây hấn mà luôn dùng lời nói ấm áp để khích lệ, động viên người khác.

2. Tinh thần trách nhiệm cao và khả năng làm chủ bản thân

  • Kiên định, không bị cám dỗ: Họ không dễ dàng bị cám dỗ bên ngoài lôi kéo, luôn hành động quyết đoán và dứt khoát.
  • Tôn trọng và lịch thiệp: Họ luôn đối xử tử tế, ân cần với mọi người, đặc biệt là phụ nữ và người yếu thế.
  • Kiềm chế cảm xúc: Họ biết giữ bình tĩnh, không để cảm xúc cá nhân lấn át lý trí, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn.
  • Chỗ dựa vững chắc cho gia đình: Họ quan tâm, chăm sóc và bảo vệ gia đình, đồng thời sẵn lòng giúp đỡ người khác khi cần.

Kết Luận

Một người đàn ông bản lĩnh không chỉ mang lại phúc khí, sự giàu sang phú quý cho gia đình, mà còn là tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho con cái và những người xung quanh. Bản lĩnh và đức độ không tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình rèn luyện và tu dưỡng không ngừng. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện bản lĩnh là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người đàn ông.

Nguồn: Thầy Trần Việt Quân